Monday, 02/2020 12:00:14

 

Yên Thế gắn lễ hội với phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, cộng đồng và trải nghiệm

Địa điểm: 
Xuân Lương - Yên Thế - Bắc Giang
Những ngày đầu Xuân Đinh Dậu 2017, tại các điểm đến văn hóa tâm linh, danh lam thắng cảnh và một số lễ hội trên địa bàn huyện đã thu hút lượng du khách tăng rất mạnh so với năm trước. Đặc biệt, những ngày đầu xuân 2017 huyện Yên Thế đã tổ chức Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Thế gắn với khai trương khu du lịch tâm linh sinh thái Xuân Lung - Thác Ngà; Lễ đón bằng công nhận cây Lim di sản nghìn năm tuổi…. đã thu hút hàng nghìn lượt du khách về tham quan, dự hội kết hợp với du lịch tâm linh – du lịch sinh thái Thác Ngà – du lịch trải nghiệm tại Bản Ven – Xuân Lương… Mặc dù là năm đầu tiên tổ chức Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Thế, song do làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch, huyện Yên Thế đã đón tiếp nhiều đoàn khách từ các tỉnh thành về thăm quan, du lịch. Thực tế  này tiếp tục gợi mở cho hướng đi về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm.
Trên địa bàn huyện hiện có 120 di tích, trong đó: 43 di tích lịch sử được xếp hạng (9 di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, 07 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh). Những điểm di tích lịch sử chính là kho tàng văn hóa, nơi lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử truyền thống, những sinh hoạt văn hóa văn nghệ, nơi phản ánh tâm thức người dân một cách trung thực, sống động. Những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện từng bước đi vào nền nếp. Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được năng lực sáng tạo các giá trị văn hoá của nhân dân; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”... 
Với tiềm năng, lợi thế của huyện có 09 địa điểm di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, cùng với nhiều công trình văn hóa dân gian Đình, Đền, Chùa được nhiều nơi biết đến. Bên cạnh đó Yên Thế có thế mạnh lắm suối, nhiều rừng, cùng với lòng hiếu khách của người dân nơi đây… Giai đoạn 2016 – 2020 huyện Yên Thế đã xây dựng Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế gắn với phát triển du lịch. Theo đó phát triển các Tour tuyến du lịch tâm linh (1 ngày) ; Tour tuyến du lịch tâm linh, kết hợp sinh thái, cộng đồng (2 ngày); Du lịch về nguồn, cộng đồng (1 đến 2 ngày); Xây dựng các sản phẩm phục vụ khách du lịch: Cùng với sản phẩm Gà đồi, còn có Chè sạch Yên Thế, Chè xanh Bản Ven, Bánh Khảo, Chè lam, mật ong hoa rừng, rượu men lá, các bài thuốc gia truyền của dân tộc Cao Lan…
Huyện Yên Thế đặt ra mục tiêu huy động và sử dụng lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực để từng bước đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện. Lấy du lịch văn hóa lịch sử làm nền tảng gắn với du lịch sinh thái làng nghề và du lịch tâm linh làm động lực. Huyện Yên Thế đã xác định tiềm năng và địa điểm các sản phẩm du lịch tiềm năng gồm 3 loại hình, đó là: Du lịch văn hóa lịch sử; Du lịch tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội; và Du lịch sinh thái- làng nghề, khu vui chơi, giải trí…
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế gắn với phát triển du lịch” cũng như “Đề án bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc huyện Yên Thế”. Từ huyện đến cơ sở đã dành nhiều kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa đầu tư phát triển giao thông, hạ tầng các khu văn hóa tâm linh, di tích lịch sử văn hóa... UBND huyện đã tranh thủ thu hút đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và vận động xã hội hóa với tổng kinh phí gần 35 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, trong đó Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám trị giá trên 27 tỷ đồng. Các hạng mục gồm: trùng tu, tôn tạo, sửa chữa Đình, Chùa; phục hồi Thành Phồn Xương; Chỉnh lý, bổ sung hiện vật, tranh ảnh trong Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế; xây dựng 7 tuyến đường vành đai vòng tránh có chiều dài trên 12 km; xây dựng công viên, điện chiếu sáng, hồ sinh thái; Công tác xã hội hóa đã góp phần không nhỏ vào khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám như huy động nguồn vốn xã hội hóa trên 4 tỷ đồng thay thế chất liệu tượng Hoàng Hoa Thám từ bê tông cốt thép sang chất liệu bằng đồng. 
Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch huyện Yên Thế đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là trụ sở làm việc của Ban Quản lý di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2015... Cảnh quan khu di tích lịch Hoàng Hoa Thám ngày càng khang trang, to đẹp và hoạt động mang tính chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa lịch sử, tín ngưỡng của du khách. Bên cạnh đó, các địa phương có di tích xếp hạng đều có ý thức đầu tư kinh phí, nhân tài vật lực tu tạo cho di tích thêm khang trang. Tại các di tích, ngoài việc tu sửa còn tổ chức trồng cây lưu niệm, cây ăn quả, cây cảnh… làm cho môi trường sinh thái ngày một xanh, sạch, đẹp.
Du khách đến với lễ hội truyền thống là muốn tìm hiểu, khám phá về vùng đất, con người hôm qua, hôm nay, về những giá trị văn hóa, tín ngưỡng cũng như tính dân gian của lễ hội.. Đó cũng là dịp để thưởng ngoạn phong cảnh đẹp, nghệ thuật ẩm thực và mua sắm sản vật địa phương. 
Đã thành thông lệ, hàng năm trong ba ngày 15, 16, 17/3, huyện Yên Thế lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống. Năm nay kỷ niệm 133 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế Lễ hội năm nay được huyện Yên Thế tổ chức với nhiều nghi lễ trang nghiêm. Từ chiều 15/3 là các hoạt động Lễ tế tại sân trước tượng đài Hoàng Hoa Thám, tiếp đó là lễ dâng hương báo công về những thành tựu nổi bật của cán bộ, nhân dân toàn huyện trong năm qua; lễ phóng ngư, phóng điểu cầu cho quốc thái dân an diễn ra tại khu vực Hồ sinh thái. Trong phần khai mạc có màn chiêng, trống; màn dâng lễ vật, dâng rượu tiên tế tới Hoàng thiên anh linh và nghĩa quân anh dũng. 
 Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như: Chiếu phim thủ lĩnh áo nâu; phim tư liệu về mảnh đất, con người Yên Thế; biểu diễn võ (võ dân tộc, võ sáo), vật; hội trại thanh niên với các trò chơi dân gian: Thi bắn nỏ, kéo co, biểu diễn nghệ thuật rối nước, hội diễn quần chúng, thi mặc trang phục dân tộc đẹp; hát quan họ trên thuyền; chọi dê… Đáng chú ý, trong khuôn khổ lễ hội năm nay còn nhiều giải đấu thể thao như: Vô địch bóng chuyền hơi người cao tuổi; vô địch đẩy gậy tỉnh Bắc Giang; vô địch bóng chuyền nam; vô địch bóng bàn huyện Yên Thế... Cùng thời gian, nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế mở cửa để khách đến tham quan, nghiên cứu. 
Có thể nói, ngay những tháng đầu năm 2017, đã có nhiều đoàn khách về thăm khu di tích lịch sử Yên Thế, đến với Thác Ngà, Bản Ven – Xuân Lương, thăm và viếng lễ các công trình văn hoá dân gian, đến vãn cảnh như Đền Cô (xã Tam Hiệp), Đền Huyết Hồ (Nguyệt Hồ) xã Hương Vĩ, Đền Suối Cấy xã Đồng Kỳ, Đền Trắng xã Đông Sơn… Việc phát huy các giá trị di tích lịch sử thông qua các hoạt động như lễ hội, tham quan di tích… đã làm cho vùng đất Yên Thế càng thắm đượm tình người, phát huy và tôn vinh bản sắc các dân tộc trong xu thế hội nhập và phát triển./.