Monday, 02/2020 12:00:14

 

Động Thiên Thai, xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế

Giới thiệu

Giá: 
0VND
Giờ mở cửa: 
7:00AM
Giờ đóng cửa: 
10:00PM
Ước tính thời gian tham quan: 
15-24Giờ
Số điện thoại : 
+84 xxxxxxxxx
Email: 
dulichyenthe.vn@gmail.com
Địa chỉ: 
Xã Đồng Kì, Huyện Yên Thế, Tỉnh Bắc Giang
Động Thiên Thai là một thắng cảnh - địa danh du lịch lịch sử nổi tiếng cách thành phố Bắc Giang khoảng 35km về phía Tây Bắc. Từ thành phố, du khách đi xuôi theo trục đường quốc lộ 1A đến thị trấn Kép huyện Lạng Giang, rẽ phải theo tỉnh lộ 265 tuyến thị trấn Kép - Cầu Gồ, qua thị trấn Bố Hạ khoảng 1 km, rẽ phải theo đường huyện 268 không đầy 5km sẽ đến UBND xã Hồng Kỳ, nơi di tích tọa lạc… Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, di tích thuộc xã Đồng Kỳ, tổng Hương Vỹ, phủ Yên Thế; nay thuộc xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang…Động Thiên Thai là nơi tôn thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm - một danh nhân yêu nước tài hoa, nhiều công đức, đầy bản lĩnh, trong những trang sử chống thực dân Pháp những năm 90 của thế kỷ XIX…
Ông Nguyễn Văn Tái, Phó BQL Di tích động Thiên Thai – xã Hồng Kỳ chia sẻ: “Động Thiên Thai thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm để tưởng nhớ công lao của cụ trong việc dựng làng, dựng ấp. Từ khi cụ Kỳ Đồng lên đây khai khẩn đất hoang đã đặt ra 7 khu, nay là 7 Trại, gồm: Trại Nhất, Trại Nhì, Trại Ba, Trại Tư, Trại Năm, Trại Sáu, và Động Thiên Thai. Trên cơ sở đó, ngày nay người dân nơi đây lập thành 7 thôn”.
Động Thiên Thai xưa vốn chỉ là khu nhà tranh nhỏ bé được Kỳ Đồng xây dựng lên. Sau khi ông mất tại xứ người, những người thân tín của ông trước đây đã tu bổ nơi này thành công trình văn hóa tín ngưỡng của nhân dân để thờ phụng và tưởng niệm sâu sắc về nhà yêu nước tài hoa này. Đền ngoảnh hướng Nam, nằm ở Trại Nhất phía trước có đường liên xã, kề cạnh là đường tỉnh lộ 398 và tuyến đường sắt nối ngã tư Kép huyện Lạng Giang với tỉnh Thái Nguyên. Phía sau đền là dòng sông Sỏi chảy dọc theo hướng Tây Nam về Bố Hạ. Đền có bố cục theo kiểu chữ Đinh, gồm toà tiền đường 5 gian và hậu cung 2 gian. Kết cấu khung chịu lực bằng gỗ, kiểu dáng kiến trúc khung mái đơn giản kiểu kẻ chuyền, trụ giá chiêng được bào trơn đóng bén, không chạm khắc hoa văn cầu kỳ, phía trước hậu đường đắp nổi ba chữ Thiên Thai động, nền đền lát gạch vuông truyền thống, mái lợp ngói mũi. Cửa đền được xây cuốn hình vòm gồm 3 cửa, cửa giữa cao và to hơn cửa hai bên, cánh cửa được đóng bằng gỗ, kiểu bức bàn. Trong đền được bài trí tượng thờ và nhiều đồ thờ tự khác…Đặc biệt, hiện nay động Thiên Thai còn lưu di sản mộc bản quý. Các tác phẩm đều hàm chứa nội dung yêu nước, lòng nhân ái của con người nên có ý nghĩa nhân văn sâu sắc… 
Ông Triệu Văn Phượng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Yên Thế cho biết: “Động Thiên Thai hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, tiêu biểu là mộc bản. Mộc bản được tạo ra khi Kỳ Đồng mất tại xứ người, những người trước kia đã được cụ tuyên truyền, giác ngộ đã dùng các bản gỗ khắc lại những lời truyền dạy của cụ năm xưa. Hiện nay bộ Mộc bản Kỳ đồng được lưu giữ khá đầy đủ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Đây là nguồn tư liệu hết sức quý giá để khẳng định giá trị của di tích động Thiên Thai”.
Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm sinh năm 1875 tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo. Ngay từ thời niên thiếu, Kỳ Đồng đã nức danh về tài đối đáp thông minh, ứng khẩu và làm thơ chữ Hán một cách trôi chảy, do đó vua Tự Đức đã chỉ dụ cho các quan đầu tỉnh phải chu cấp tiền của, vải vóc nuôi nấng Kỳ Đồng, tức cậu bé lạ kỳ…Từ đó Kỳ Đồng trở thành biệt hiệu của Nguyễn Văn Cẩm…Tiếng tăm và huyền thoại về Kỳ Đồng ngày một vang xa, khắp nơi trong nước nườm nượp kéo về Ngọc Đình tôn xưng cậu bé như bậc "Chân nhân cứu thế", họ tìm về quy phục và sẵn sàng liều chết vì ông. Do vậy, nhà nước bảo hộ từ toàn quyền Doumer đến các công sứ Thái Bình, Nam Định...đồng mưu lặng lẽ đối phó bằng cách bắt cậu bé đi "du học" xa xứ để chặn đứng một phong trào "bạo loạn chống Chính phủ" mà chúng đã dự đoán trước…
Ông Triệu Văn Phượng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Yên Thế cho biết thêm: “Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm là một người tài hoa từ nhỏ, được đi du học tại Pháp trong khoảng 10 năm. Sau khi về nước, ông không tham gia trong chính quyền của Pháp mà xin đi khai khẩn đất hoang tại Yên Thế. Đến với mảnh đất xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, ông đã lập ra thế trận “Thất diệu đồn điền” và huy động đông đảo những người yêu nước cùng khai hoang lập ấp. Sau khi lập ấp tại đây, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã có những đóng góp rất lớn cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế và Hoàng Hoa Thám, như: cung cấp lương thực, vũ khí, đạn dược và hiến kế đánh thực dân Pháp”.
Có thể thấy, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm là một trong những nhà yêu nước tiêu biểu trong phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ông đã xây dựng mối liên hệ mật thiết với các lực lượng yêu nước Việt Nam, nhất là vùng đồng bằng và Trung du Bắc Kỳ, tiêu biểu là hoạt động tiếp tế lương thực cho nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Nhưng vì Thiên Thai nằm gần trung tâm Phồn Xương, một vị trí nhạy cảm nên thực dân đã theo dõi rất sát sao hoạt động của Kỳ Đồng, vì vậy năm 1898 Kỳ Đồng bị thực dân Pháp bắt đi đầy biệt xứ ở đảo Tahiti quần đảo PolyNésie thuộc địa của Pháp ở Thái Bình Dương và ông mất ngày 17/7/1929 tại xứ người, khi tròn 54 tuổi…
Hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, tuy Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm không có ở Thất diệu đồn điền nữa nhưng hình ảnh của ông vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân nơi đây. Người ta cho rằng cái tên xã Đồng Kỳ chính là tên của Kỳ Đồng mà ra. Ngày nay các địa danh của Thất diệu đồn điền vẫn còn lưu lại trên đất của 2 xã Đồng Kỳ và Hồng Kỳ của huyện. Các dấu tích về Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm vẫn còn khá rõ nét, như ở đền Suối Cấy, động Thiên Thai, hay Trại Nhất, Trại Nhì, Trại Ba.v.v…
Cụ Nguyễn Thị Thưa (83 tuổi), Quản lý di tích đền Suối Cấy, thôn Cống Huyện, xã Đồng Kỳ tâm sự: “Theo như các cụ truyền lại, cụ Kỳ đồng đưa dân từ Thái Bình lên đây lập ấp, lập đồn điền Ba lăng đô ở thôn Đồng Nghĩa. Đền Suối Cấy còn lưu giữ nhiều dấu ấn của cụ. Tôi đã trông coi đền được 30 năm, hàng ngày sớm tối thắp hương cho cụ để luôn ghi nhớ công lao của cụ đối với quê hương”.
Bản đồ: