Monday, 02/2020 12:00:14

 

Đình Xuân Lan, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế

Giới thiệu

Giá: 
0VND
Giờ mở cửa: 
7:00AM
Giờ đóng cửa: 
10:00PM
Ước tính thời gian tham quan: 
15-24Giờ
Số điện thoại : 
+84 xxxxxxxxx
Email: 
dulichyenthe.vn@gmail.com
Địa chỉ: 
Xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang
Theo các nguồn tư liệu lịch sử, đầu thế kỷ XIX đình Xuân Lan thuộc xã Hữu Hạ, tổng Hương Vỹ, huyện Hữu Lũng, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Đầu thế kỷ XX là xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thuộc phủ Yên Thế. Hiện nay đình Xuân Lan thuộc thôn Xuân Lan, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
 
Theo lời kể của người dân thôn Xuân Lan, đình có lịch sử từ lâu đời. Tuy nhiên, giờ đây không ai còn nhớ chính xác đình được xây dựng cụ thể vào năm nào, vào thời gian nào, và vốn dĩ đình không phải ở vị trí như hiện nay.
 
Ngược dòng lịch sử tìm về làng Xuân Lan xưa được biết làng còn có tên là “làng Cồn” gồm 3 xóm: Cồn Cả, Cồn Thung, Trại Giang; Đình Xuân Lan đặt ở xóm Cồn Cả (vì thế đình còn có tên là đình Cồn). Lý giải vì sao có cái tên “làng Cồn” là do vào cuối thời Trần, dòng sông Thương và sông Sỏi chưa có đê bao, những vùng đất bồi làm ứ đọng thành đầm. Hàng năm cứ mỗi mùa nước lên làm ngập lụt cả vùng rộng lớn, duy chỉ có làng Xuân Lan do đất bồi của 2 dòng sông đã nổi lên thành gò, nhìn xa giống như một cồn đảo, và cái tên “làng Cồn” được ra đời từ thủa ấy.
 
Năm 1907, nhân dân địa phương di chuyển đình về vị trí hiện nay, mặt đình hướng ra phía Đông Nam, trông ra dòng sông Thương thơ mộng, hiền hoà.
 
Khi đến thăm làng Xuân Lan, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh quan của một ngôi làng cổ, với những cánh đồng lúa trải dài một màu xanh mềm mại như suối tóc nhung huyền của người thiếu nữ đang tuổi xuân thì. Nằm ẩn hiện trong xóm làng trù mật là quần thể di tích đình, nghè mà nổi bật hơn cả là ngôi đình Xuân Lan cổ kính khoác trên mình vẻ tĩnh mịch, thâm nghiêm. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, dân làng nơi đây vẫn gắn bó với ngôi đình, coi đây là mảnh trời thiêng liêng của thần thánh, là chốn đi về của tổ tiên…
 
Căn cứ thực trạng di tích, kiểu dáng kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc ở đình như: hình vân xoắn mập, hình lá cúc lật, hoa văn cúc dây, điển hình nhất là hình ảnh con rồng với các đặc điểm: Các đao mác rồng, mũi rồng thon dần về phía dưới. Mắt mũi rồng đã chuyển hoá dưới dạng vát đầu, các đao ở đuôi mắt kiểu đuôi nheo thể hiện rõ phong cách nghệ thuật ở thời Lê Trung Hưng cho chúng ta biết đình được khởi công xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.
 
Cũng theo các cụ cao niên trong thôn cho biết, khi mới xây dựng, ngôi đình có quy mô to rộng, bề thế với lối kiến trúc độc đáo. Trải bao biến cố lịch sử, sự khắc nghiệt của thiên nhiên cùng chiến tranh tàn phá, có những thời điểm ngôi đình bị xuống cấp nghiêm trọng, một số đồ thờ tự ở đình, trong đó có cả sắc phong vì thế cũng không còn.
 
Căn cứ vào dòng lạc khoản ghi trên câu đầu gian giữa bên phải toà đại đình cho biết vào năm Đinh Mùi niên hiệu Duy Tân (1907) thời Nguyễn ngôi đình đã được trùng tu. Trong đó một số cấu kiện kiến trúc gỗ đã bị thay: đầu dư, con rường, hoành dui, một số mảng điêu khắc…vì thế nên ngày nay vẻ đẹp kiến trúc của đình Xuân Lan mang cả hai phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Lê và thời Nguyễn.
 
Hiện nay, đình Xuân Lan có bố cục kiến trúc theo kiểu chữ đinh (J) gồm toà đại đình 5 gian nối với 2 gian hậu cung, gian trong cùng có cấu tạo thành khám thờ thần, bên trong đặt ngai thờ, bài vị thờ thành hoàng làng và nhiều đồ tế khí khác. Kết cấu kiến trúc của đình theo lối kiến trúc cổ truyền kiểu “chồng rường giá chiêng” và “thượng giá chiêng hạ kẻ chuyền” tạo cho công trình có độ cao khá lớn, thế kiên cố vững chãi. Các bộ phận kiến trúc của đình được chạm khắc đẹp, trên các bộ phận của các vì, kẻ, cốn, đầu dư, đầu bẩy sử dụng lối chạm truyền thống là chạm nổi kênh bong tinh tế với các hoạ tiết hoa văn theo các chủ đề “tứ linh”, “tứ quý”, các hình vân xoắn, lá lật mang phong cách nghệ thuật thời Lê rất rõ nét. Đặc biệt bức cửa võng toà hậu cung đình là một tác phẩm nghệ thuật đẹp ở thế kỷ XIX, được sơn thếp vàng và trang trí cầu kỳ. Bên trên có hình “lưỡng long chầu nguyệt”, bên dưới có 4 chữ Hán “Vạn cổ anh linh”.
 
Căn cứ vào những đặc điểm kiến trúc nghệ thuật điển hình nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng: đình Xuân Lan là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, quý giá mà cha ông ta đã tạo dựng để lại cho hậu thế. Bên cạnh giá trị nổi bật về mặt kiến trúc, nghệ thuật, ngôi đình này còn là công trình tín ngưỡng có giá trị lịch sử văn hoá cao.
 
Dựa vào bài vị thờ trong đình cho biết đình Xuân Lan thờ thần Cao Sơn-Quý Minh. Đây là 2 vị tướng tài thời Hùng Vương 18, đã có công giúp vua Hùng dẹp loạn giặc Thục ở phương Bắc, lập nhiều chiến công trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, nên được các triều đại phong kiến Việt Nam nhiều lần phong sắc và xuống chiếu phong thần cho nhân dân nhiều làng xã phụng thờ ở các đình, đền…trong đó có đình Xuân Lan. Tuy nhiên, hiện nay ở đình Xuân Lan những tư liệu liên quan đến thân thế của 2 vị thần như: sắc phong, thần tích đều không còn. Nhân dân địa phương với lòng tôn kính, ngưỡng vọng đã dành cho các đức thánh sự tôn quý đặc biệt và xây dựng đình thờ.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Xuân Lan là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện của địa phương, cụ thể: là căn cứ cho bà Hà Thị Quế chỉ huy đánh đồn Bố Hạ, cũng trong thời gian này ván sàn đình bị tháo dỡ để làm cầu phao bắc qua sông Thương cho bộ đội đi chiến đấu, một số đồ thờ tự bằng đồng cũng được công đức phục vụ kháng chiến.
 
Hiện nay đình còn bảo lưu được một số hiện vật và đồ thờ tự quý có giá trị: Kiệu bát cống, bộ bát bửu, ngai thờ, bài vị, hương án, hoành phi, câu đối… có niên đại thời Lê-Nguyễn, giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử trên vùng đất này.
 
Hằng năm, vào ngày 10 tháng Giêng đình tổ chức mở hội. Trong hội có nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc: Bơi thuyền bắt vịt, bịt mắt đập niêu, đấu vật, chọi gà…
 
Là một công trình có giá trị về nhiều mặt, mà nổi bật là giá trị kiến trúc nghệ thuật. Ngày 30/12/2005 đình Xuân Lan được UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định xếp hạng: Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật.
Bản đồ: