Monday, 02/2020 12:00:14

 

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số xã Hồng Kỳ

         Là xã miền núi của huyện Yên Thế, Hồng Kỳ có số lượng và tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao. Ông Long Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện toàn xã có 10 thôn, bản; trong đó 4 thôn, bản đặc biệt khó khăn là: Cầu Tư, Làng Ba, Trại Sáu và Trại Hồng Nam. Toàn xã có 1.100 hộ và 4.600 nhân khẩu; tỷ lệ DTTS của xã chiếm hơn 80%. Nhiều thôn, bản có trên 95% là người DTTS như: Cầu Tư, Làng Ba, Trại Hồng, Trại Hồng Nam, Đền Giếng, Đền Hồng và Trại Nhì.  Người DTTS ở Hồng Kỳ chủ yếu gồm người Nùng (chiếm khoảng 80%). Ngoài ra, người Tày chiếm 5-6%; cùng một tỷ lệ nhỏ người DTTS khác là dâu, rể tại địa phương.
          Theo tìm hiểu, người Nùng ở Hồng Kỳ chủ yếu từ 2 “ngành” chính là: Nùng Phàn Sình (sống tập trung ở các thôn, bản: Cầu Tư, Làng Ba, Trại Hồng, Trại Hồng Nam, Đền Hồng, Trại Nhì) và người Nùng Cháo (tập trung ở Đền Giếng và Trại Sáu); trong khi người Tày (Tày Đeng) sống nhiều ở Trại Nhất và Cầu Tư.
Nói đến bản sắc văn hóa và những giá trị văn hóa truyền thống của người Nùng-Tày là nói đến tiếng nói, chữ viết, trang phục, những phong tục, tập quán tốt đẹp và những làn điệu sli, lượn, hát then... Theo ông Hứa Việt Hải, dân tộc Nùng, người có uy tín ở thôn Trại Hồng Nam, thì những giá trị văn hóa ấy vẫn được lưu giữ và phát huy ở xã Hồng Kỳ.
     Cụ thể, về tiếng nói, cộng đồng người Nùng Phàn Sình và người Nùng Cháo hiện nay vẫn duy trì được ngôn ngữ truyền thống. Tiếng dân tộc được sử dụng song song với ngôn ngữ phổ thông. Hầu hết các gia đình người DTTS ở Hồng Kỳ vẫn thường xuyên giao tiếp với nhau bằng tiếng DTTS; các cháu nhỏ được ông, bà, bố, mẹ truyền dạy tiếng dân tộc từ khi mới bập bẹ tập nói. Do vậy, hầu hết các trẻ em và thanh thiếu niên nơi đây đều biết tiếng dân tộc và tiếng mẹ đẻ. Những mặc cảm, tự ti về nguồn gốc dân tộc đã giảm nhiều, thay vào đó là niềm tự hào về nguồn gốc dân tộc của mình.
Tuy ngữ điệu thể hiện có khác nhau, song tiếng nói, ngôn ngữ của người Nùng Phàn Sình, người Nùng Cháo và người Tày Đeng ở Hồng Kỳ gần giống nhau và khá tương đồng với người cùng dân tộc ở các địa phương khác trong và ngoài xã. Đây là điều kiện thuận lợi khi giao tiếp trong cộng đồng người DTTS địa phương. 
         Về trang phục, quần áo cả nam và nữ của người Nùng đều được làm từ vải sợi bông tự dệt, được nhuộm bằng nước của cây và lá chàm. Quá trình trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm, cắt may đều do các bà, các chị làm ra. Áo đàn ông người Nùng thường thống nhất một kiểu là áo ngắn có hàng khuy vải ở giữa, quần rộng có cạp màu trắng. Trong khi đó, áo phụ nữ có vạt chéo và khuy vải. Độ dài, kiểu cách của áo tùy theo từng nhóm người. Ví dụ như: áo của người Nùng Phàn Sình có nhiều kiểu để khi mặc được thống nhất với các kiểu khăn đội đầu. Áo ngắn thêu chỉ đỏ kết hợp với khăn tua màu trắng đen gọi là “cuốn cọt”, áo dài kết hợp với khăn vuông đen, áo dài có khăn dài xếp hoa văn chấm trắng. Ngoài ra, người Nùng Cháo còn có kiểu áo chàm kết hợp với vải xanh rất đẹp. Đối với trẻ chưa thành niên thường đội mũ vải kiểu 6 múi có hoa văn rực rỡ.
Khi mặc quần áo dân tộc mình, mọi người dễ dàng nhận ra sự tỉ mỉ, khéo léo của những người làm ra trang phục ấy. Đó là sau khi vải đã được nhuộm chàm, lại được nhuộm và ngâm với nhiều chất liệu từ thiên nhiên để tạo ra những tấm vải chàm có màu sắc ánh hồng, đẹp hơn hẳn vải chàm bình thường. Vải hồng được cắt may trang phục sang trọng dùng trong lễ cưới, hỏi hay dịp lễ, tết với hàng khuy đôi và thêu nhiều hoa văn hơn so với trang phục bình thường.